Vương hậu nước Pháp Marie_Antoinette

Những năm đầu (1774 – 1778)

Huy hiệu của Marie Antoinette khi là Vương hậu của nước Pháp.Louis XVI và Marie Antoinette tiếp Đại Công tước Maximilian Francis của Áo, năm 1775

Trái với những lời đàm tiếu, tân Vương hậu không có nhiều ảnh hưởng chính trị trên nhà vua. Louis XVI, do ác cảm với người Áo từ khi còn thơ ấu, đã ngăn cản những người có chủ trương thân Áo khỏi những vị trí quan trọng, nhưng tin dùng những người có khuynh hướng chống Áo như Thủ tướng Maurepas và Bộ trưởng Ngoại giao Vergennes. Cả ba đều luôn quan tâm đến nguy cơ Đế quốc Áo sử dụng Vương hậu để can thiệp vào chính trường nước Pháp.[29]

Hoàn cảnh của Marie Antoinette ngày càng bấp bênh khi em trai của Louis XVI, Charles, Bá tước de Artoir, có con trai là Louis-Antoine. Bắt đầu xuất hiện tràn lan những tờ rơi có nội dung châm biếm, tập trung vào tình trạng bất lực của Quốc vương trong khi Vương hậu tìm kiếm sự bù đắp từ những mối quan hệ phóng túng với cả nam lẫn nữ. Theo lời đồn đại, trong số những người tình của Vương hậu có Marie Louise của Savoy, công nương de Lambelle, và ông em chồng đẹp trai, Bá tước de Artoir.[30] Những lời công kích ấy khiến Vương hậu càng lún sâu vào thú vui cờ bạc và mua sắm trang phục sang trọng. Trong một trường hợp, bà tổ chức những cuộc vui chơi trong suốt ba ngày trước sinh nhật thứ 21, thu hút khách khứa đến từ Paris.

Ngày 15 tháng 8 năm 1774, nhà vua cho phép Vương hậu được toàn quyền tu sửa Petit Trianon, một lâu đài nhỏ trong khuôn viên Điện Versailles, món quà mà nhà vua đã tặng khi Vương hậu lần đầu đến Pháp. Bà cho thiết kế lại khu vườn theo phong cách Anh, được gọi là [English Garden][31]. Mặc dù được xây dựng cho tình nhân của Vua Louis XV là Madame de Pompadour, thế nhưng Petit Trianon lại gắn liền với nếp sống xa hoa của Antoinette[32].

Trong "Khu vườn Anh", Marie Antoinette và nhóm cận thần sử dụng các loại trang phục Anh may bằng vải đắt tiền như indienne (loại vải dệt xuất xứ từ Ấn Độ), percale (một thứ vải mịn) hoặc muslin (một loại vải bông từ Ấn Độ). Sau mười năm tại điện Versailles, các loại trang phục truyền thống đã không còn.[33] Vương hậu cũng chọn trong số nam giới ái mộ bà những người như Pierre Victor, Nam tước de Besenval, François-Henri, công tước de Coigny và Bá tước Valentin Esterházy, mời họ tham gia nhóm thân hữu gần gũi với bà.[34] Ngày 19 tháng 9, Vương hậu quyết định trưởng vụ quản lý tất cả người mình của mình, và bà đã chọn Garbriel, Công tước phu nhân de Polignac, nổi tiếng là một phụ nữ xinh đẹp và có quan hệ rất mật thiết với Vương hậu Marie Antoinette.

Vấn đề còn nghiêm trọng hơn khi những món nợ nước Pháp vay mượn cho Chiến tranh Bảy năm vẫn chưa được thanh khoản, lại thêm quyết định của Louis XVI đối đầu với Anh trong chiến tranh các khu thuộc địa Bắc Mỹ, Pháp vẫn xem Anh là kẻ thù truyền thống[35]. Khi đang chuẩn bị trợ giúp Pháp, cũng đang lúc sôi sục những tin đồn, Hoàng đế Joseph II của Đế quốc La Mã thánh đến Versailles thăm em gái và em rể, nhân dịp tìm hiểu nguyên nhân cuộc hôn phối vẫn chưa được hoàn tất[36].

Nhờ đó mà ngày 30 tháng 8 năm 1777, hôn nhân giữa Louis và Marie Antoinette mới được chính thức công bố là hoàn thiện khi 2 người đã động phòng[37]. Ngày 16 tháng 5 năm 1778, Vương hậu được xác nhận là đã mang thai.[38]

Làm mẹ và sự ảnh hưởng chính trị (1778 - 1781)

Marie Antoinette đi dạo với các con trong vườn Petit Trianon (1785)

Ngày 19 tháng 12 năm 1778, tại Điện Versailles, Marie Antoinette hạ sinh một con gái, Marie-Thérèse Charlotte, sau cơn sinh nở rất khó khăn.[39] Mặc cho nhiều lời dị nghị về gốc tích của người cha của đứa bé, nhà vua không nghi ngờ gì mà tỏ ra gần gũi với con gái.[40]

Một sự kiện đã ảnh hưởng sâu sắc hình ảnh của bà tại nước Pháp, đó là việc anh trai bà Joseph II đăng quang ngai vàng ở Vương quốc Bavaria. Vương hậu đã thuyết phục Louis XVI nhằm giúp đỡ nước Áo trong vấn đề tranh chấp này. Nghị hòa Teschen được ký kết ngày 13 tháng 5 năm 1779, và sự việc đã khiến nước Áo đoạt được 1 vùng dân cư với hơn 100.000 hộ dân, điều này khiến dư luận chỉ trích rằng Vương hậu đứng về phía nước Áo của bà mà chống lại nước Pháp.

Dù vậy, áp lực phải có con trai để nối ngôi vẫn còn đó, trong tháng 7 năm 1779, Marie Antoinette bị hư thai do sức khỏe kém. Năm 1780, Marie Antoinette ủng hộ việc bổ nhiệm Charles Eugène Gabriel de La Croix, Hầu tước de Castrie vào chức vụ Bộ trưởng Hải quânPhilippe Henri, Bá tước de Ségur làm Bộ trưởng Chiến tranh. Nhiều người tin rằng đó chính là nhờ sự vận động của Vương hậu, nhưng thật ra người có nhiều ảnh hưởng trong việc bổ nhiệm này là Bộ trưởng Tài chính Jacques Necker[41].

Ngày 29 tháng 11 năm 1780, Hoàng hậu Maria Theresa lâm bệnh rồi qua đời tại Vienna ở tuổi 63. Vương hậu Marie Antoinette lo lắng bởi vì cái chết của mẹ có thể tác hại đến liên minh Pháp-Áo, song Hoàng đế Joseph viết thư trấn an bà, cho biết ông không có ý định phá vỡ liên minh.

Tháng 3 năm 1781, Vương hậu lại mang thai. Hoàng đế Joseph đến thăm em gái, cũng là cơ hội để củng cố liên minh Pháp-Áo, nhưng lại có tin đồn nhảm cho rằng Marie Antoinette nhân dịp này chuyển tiền cho anh trai[42]. Ngày 22 tháng 10, Vương hậu sinh Louis Joseph Xavier François. Quốc vương Louis XVI viết trong quyển nhật ký săn bắn của ông: "Madame, nàng đã làm thành ước nguyện của ta và của người dân Pháp. Nàng là mẹ của Trữ quân nước Pháp!"[43]

Mất lòng dân (1782 - 1785)

Marie Antoinette trong trang phục vải muslin (1783)

Dù sinh con trai cho nhà vua, ảnh hưởng chính trị của Marie Antoinette cũng không mang đến lợi ích nào cho nước Áo. Khi bị anh trai chê trách vì thái độ thụ động trong chính trường, Marie Antoinette cho biết bà không có nhiều ảnh hưởng. Nhà vua hiếm khi bàn chính sự với bà, vì ác cảm đối với nước Áo từ khi còn thơ ấu khiến Louis không cho phép vợ can thiệp vào các quyết định chính trị. Do đó, Vương hậu thường cố tỏ cho các bộ trưởng thấy bà có được lòng tin của nhà vua, điều này khiến quan lại trong triều tin rằng bà có nhiều quyền lực hơn những gì người khác biết về bà.

Tháng 6 năm 1783, Marie Antoinette mang thai lần nữa. Cũng trong tháng này, Bá tước Axel von Fersen từ Mỹ trở lại Pháp, và được chấp nhận vào hội riêng của Vương hậu. Đến tháng 9, ông rời nước Pháp để lãnh đạo đội ngự lâm quân cho quân vương của ông, Gustavus III, Quốc vương Thụy Điển, lúc ấy đang công du Châu Âu. Marie Antoinette lại hư thai trong đêm 2 tháng 11, người ta thêm lo ngại về sức khỏe của bà.[44]

Để thư giãn, trong chuyến viếng thăm của Fersen và sau khi ông trở lại vào ngày 7 tháng 6 năm 1784, Marie Antoinette bận rộn với việc thiết kế Hameau de la reine, một ngôi làng được xây dựng trong khu vườn của Petit Trianon với một nhà máy xay và 12 ngôi nhà, 9 trong số ấy vẫn còn tồn tại. Hameau là một trong những đóng góp của Marie Antoinette trong nỗ lực nâng cấp Lâu đài Versailles vẫn còn cho đến ngày nay để công chúng thưởng lãm[45][46].

Một ngôi nhà ở khu vườn Petit Trianon

Tháng 8 năm 1784, Louis XVI dùng danh nghĩa vợ mình mua Château de Saint-Cloud của Công tước de Orléans, với ý định sẽ để lại lâu đài này như tài sản thừa kế cho các con. Hành động này đã gây tổn hại cho thanh danh của bà bởi vì ngày càng có nhiều người dân bất bình với việc Vương hậu sở hữu cơ ngơi riêng, độc lập với nhà vua. Hơn nữa, lâu đài có giá trị cao, đến 6 triệu livre, thêm chồng chất nợ nần cho nước Pháp[47].

Ngày 27 tháng 3 năm 1785, Marie Antoinette sinh con trai thứ hai, Louis Charles, được phong tước Công tước de Normandy. Louis Charles trông bụ bẫm hơn Trữ quân thường hay đau yếu, và Vương hậu thường trìu mến gọi cậu bé là "chou d’amour"[48]. Bởi vì Louis Charles chào đời đúng chín tháng sau khi Fersen đến thăm Vương hậu, nên nhiều người tỏ vẻ nghi ngờ về gốc tích của đứa bé khiến uy tín của bà càng thêm suy giảm[49]. Thêm vào đó là những bài viết đàm tiếu không ngừng được phổ biến rộng rãi, những mưu đồ bí ẩn đầy dẫy trong cung đình, chiến lược của anh trai bà Joseph trong Cuộc chiến Kettle, cùng việc Vương hậu mua Saint-Cloud khiến công luận quay sang chống đối bà quyết liệt. Hình ảnh một Vương hậu ngoại quốc sống phóng đãng, hoang phí, và xốc nổi mau chóng bắt rễ trong tâm lý đại chúng Pháp.[50]

Con gái thứ hai của Vương hậu Marie Antoinette, Sophie Hélène Béatrice de France, chào đời ngày 9 tháng 7 năm 1786, nhưng năm sau thì lìa đời vào ngày 19 tháng 6.

Giai đoạn tiền cách mạng (1786 – 1789)

Tình hình tài chính của đất nước ngày càng tồi tệ. Mặc dù đoàn tùy tùng của triều đình đã bị cắt giảm, cuối cùng nhà vua với sự cộng tác của Bộ trưởng Tài chính đương nhiệm, Charles de Calonne, buộc phải triệu tập Hội nghị Nhân sĩ, sau 160 năm gián đoạn. Hội nghị được triệu tập để thông qua một số biện pháp cải cách nhằm cải thiện tình trạng tài chính khi Quốc hội từ chối cộng tác. Ngày 22 tháng 2 năm 1787, Hội nghị mở phiên họp đầu tiên, không có sự tham dự của Marie Antoinette. Về sau, sự vắng mặt của Vương hậu khiến bà bị cáo buộc là phá hoại mục đích của hội nghị[51].

Vương hậu có dự họp hay không thì Hội nghị cũng không những không chịu thông qua bất cứ biện pháp cải cách nào mà còn quay sang chống nhà vua. Ngày 8 tháng 4 năm 1787, dưới sự thúc giục của Vương hậu, Louis XVI bãi nhiệm Calonne[52].

Chân dung Marie Antoinette (1788)

Lúc này, Vương hậu từ bỏ lối sống vô tâm và bắt đầu chú ý đến chính trị, với khuynh hướng hầu như đi ngược lại với lợi ích của nước Áo, do những lý do khác nhau. Thứ nhất, con cái của bà đều là Enfants de France, như vậy, vị thế cầm quyền của họ cần được củng cố. Thứ nhì, khi tập trung cho con cái, Vương hậu muốn thay đổi hình ảnh phóng túng bà mắc phải từ Sự kiện Chuỗi kim cương khi bị cáo buộc dính líu đến một âm mưu lừa đảo. Thứ ba, nhà vua bắt đầu tránh né việc ra quyết định trong chính sự bởi vì có dấu hiệu ông mắc bệnh trầm cảm do chịu áp lực từ chính trường; cuối cùng thì Marie Antoinette bị buộc phải trở thành chính khách ngoài ý muốn. Với quyền lực có giới hạn, Vương hậu cố cải thiện mối quan hệ giữa quốc hội và nhà vua.[52]

Trong tháng 5, nhà vua bổ nhiệm một đồng minh chính trị của Vương hậu, Étienne Charles de Loménie de Brienne, Tổng Giám mục Toulouse, thay thế Calonne trong chức vụ Bộ trưởng Tài chính. Brienne khởi sự cắt giảm thêm chi tiêu cho cung đình.[53]

Tuy nhiên, Brienne không thể thay đổi tình thế, và bởi vì ông là đồng minh của Vương hậu nên vị thế chính trị của bà cũng bị ảnh hưởng. Tình trạng tài chính càng tồi tệ dẫn đến việc giải tán Hội nghị Nhân sĩ vào ngày 25 tháng 5. Trong thực tế, những vấn đề tài chính là hậu quả tổng hợp từ nhiều nhân tố: có quá nhiều cuộc chiến tốn kém, chi phí duy trì nếp sống xa hoa cho một triều đình đông đảo còn lớn hơn những khoản tiêu pha của Vương hậu, và giới cầm quyền giàu có không muốn trợ giúp tài chính cho chính phủ. Mùa hè năm 1787, Marie Antoinette bị gán cho biệt danh Madame Déficit bởi vì dân chúng tin rằng một mình bà đã làm suy sụp nền tài chính quốc gia.[54]

Bức tiểu họa MArie Antoinette Marie Antoinette (vẽ bởi Louis Marie Sicard, 1787).

Vương hậu tìm cách phản công bằng cách sử dụng hệ thống truyền thông của bà để miêu tả Vương hậu là người mẹ thương yêu con, tập trung giới thiệu bức chân dung của bà với các con, một tác phẩm của Élisabeth Vigée-Lebrun, ra mắt công chúng tại Royal Académie Salon de Paris trong tháng 8 năm 1787[55][56]. Tuy nhiên, chiến lược này dần bị hủy bỏ sau khi cô con gái út Sophie lìa đời.

Cuối năm 1787 đến 1788, Vương hậu lo lắng cho sức khỏe của Trữ quân, đang mắc bệnh lao làm vẹo cột sống. Cậu được đem đến Meudon với hi vọng không khí đồng quê sẽ giúp cải thiện, nhưng chuyến đi chẳng có tác dụng gì nhiều, và tình trạng ngày càng xấu hơn[57]. Vương hậu cũng tác động đến quyết định mời Jacques Necker trở lại chức vụ Bộ trưởng Tài chính dù biết rằng nếu Necker thất bại trong lần này sẽ tác hại đến uy tín của bà[58].

Mùa đông khắc nghiệt năm 1788-1789 khiến giá bánh mì tăng cao. Sức khỏe của Trữ quân càng suy yếu, bạo động bùng nổ ở Paris trong tháng 4. Ngày 4 tháng 6 năm 1789, Trữ quân Louis Joseph, để lại danh hiệu Trữ quân nước Pháp cho em trai là Louis Charles, Công tước Normandy. Triều đình tổ chức quốc tang cho Trữ quân, nhưng người dân Pháp chẳng mấy quan tâm, họ đang chuẩn bị cho kỳ họp sắp tới của Hội nghị Quốc dân, mong đợi Hội nghị sẽ tìm ra giải pháp cho vụ khủng hoảng lương thực. Khi các đại biểu thuộc giai tầng bình dân (Third Estate) tuyên bố thành lập Quốc hội, Vương hậu Marie Antoinette đang than khóc cho con trai.[59]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Marie_Antoinette http://www.antoniafraser.com/antoinette.aspx http://www.awesomestories.com/flicks/marie-antoine... http://teaattrianon.blogspot.com/2007/05/last-lett... http://teaattrianon.blogspot.com/search?q=%22Marie... http://www.chevroncars.com/learn/famous-people/mar... http://www.findagrave.com/cgi-bin/fg.cgi?page=gr&G... http://www.genebase.com/blog/?p=44 http://books.google.com/books?id=73yRbdhAQ3gC&pg=P... http://books.google.com/books?id=IJpuhuAIzo8C&pg=P... http://books.google.com/books?id=Vk4WgsO2OZsC&pg=P...